Uncategorized

6 LOẠI SỢI VẢI THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG CHO LỐI SỐNG SLOW FASHION

Chuối, cà phê, dứa, sen,… những cái tên nghe có vẻ như không liên quan gì đến thời trang nhưng tất cả đều là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể biến thành nguyên liệu bền vững cho ngành dệt may

NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỜI TRANG GÂY Ô NHIỄM NHƯ THẾ NÀO ?

Vải giành cho môi trường ngày càng có sự phát triển vượt bậc

Hầu hết quần áo chúng ta mặc đều được làm bằng polyester, nylon, spandex – các loại sợi tổng hợp chủ yếu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Điều này đã gây thảm họa cho môi trường khi quá trình sản xuất các nguyên liệu này thải ra một lượng khí carbon dioxide khổng lồ. Không những vậy, phế phẩm ngành thời trang cũng làm nguy hại đến môi trường và các sinh vật sống trên trái đất khi không thể phân hủy tự nhiên.

Chính vì vậy, thời trang bền vững ra đời là một xu hướng tất yếu. Xu hướng này không chỉ thôi thúc ngành dệt may tìm ra nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường mà còn giúp quy trình sản xuất tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi cho người lao động.

Dưới đây là 6 loại sợi vải bền vững, thân thiện với môi trường, được đánh giá sẽ thay đổi ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.

Sợi gai dầu (hemp)

Cây gai dầu
Sau khi dệt sẽ có hình hài gần giống vải linen

Nhận diện: Cây gai dầu (ở Việt Nam gọi là cây lanh Mèo) có hai lớp. Lớp vỏ dạng sợi và lõi cây gỗ cứng. Sau khi khai thác, phần vỏ được tước sợi để dệt vải. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm thấy cây gai dầu và vải cây gai dầu ở các tỉnh vùng núi phía Tây Bắc.

Ưu điểm:

  • Sợi gai dầu là một trong những loại sợi vải thân thiện với môi trường nhất. Đầu tiên vì loài cây này hoạt động như một hệ thống điều hòa không khí tự nhiên. Cây gai dầu cây phát triển nhanh, tiêu thụ nước rất ít và không cần thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp hoặc hạt giống GMO.
  • Về mặt sợi vải, chất liệu gai dầu có tính năng kháng khuẩn, bền, đàn hồi (tùy cách dệt), thấm hút mồ hôi tốt, và phân hủy thiên nhiên.

Nhược điểm:

  • Khó khăn trong quy mô phát triển rộng. Do việc không phân biệt chính xác giữa cây gai dầu và cần sa, nhiều quốc gia vẫn chưa cho phép trồng và khai thác cây gai dầu rộng rãi. Điều này làm hạn chế việc khai thác những ích lợi rất lớn của gai dầu.
  • Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia cho phép trồng trọt gai dầu ở diện rộng. Hiện tại có khoảng trên 30 quốc gia đang sản xuất gai dầu cho mục đích công nghiệp. Trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng gai dầu trên toàn thế giới. Pháp là nước đứng thứ hai. Kế đó là Áo, Chile và Anh.

Sợi tầm ma (nettle)

Nhận diện: Vẻ bề ngoài của vải tầm ma gần tương tự với vải sợi gai dầu. Để lấy sợi tầm ma, sau khi thu hoạch, cây sẽ được loại bỏ phần vỏ, lá, gai và lông tơ để lấy thân cây. Thân cây được làm mềm bằng cách ngâm nước. Sau khoảng 1 tuần thân cây được vớt ra phơi khô và tách sợi.

Ưu điểm:

  • Tương tự như sợi gai dầu, sợi tầm ma có những đặc tính rất linh hoạt. Nó có thể giữ ấm cho người mặc vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Sợi cây tầm ma được cho là có hàm lượng chất xơ cực kỳ cao cùng chiều dài kéo sợi tốt, thuận lợi cho việc dệt vải.
  • Vải tầm ma phân hủy tự nhiên như các chất liệu vải thân thiện với môi trường khác.
  • Cây phát triển nhanh ở môi trường tự nhiên mà không cần chăm sóc, đòi hỏi ít nước và tài nguyên thiên nhiên để phát triển.
  • Cây tầm ma không bị vướng vào vấn đề pháp lý như cây gai dầu, điều này đã khiến loại cây này trở thành loại trái cây khả thi và hợp pháp trên thị trường.

Nhược điểm

  • Chất liệu sợi thiên nhiên mất nhiều công sức để thu hoạch và xử lý.
  • Chất liệu vải làm bằng sợi thiên nhiên dễ bị hư hỏng trong môi trường nóng ẩm khi so sánh với sợi tổng hợp. Do đó việc bảo quản sẽ mất nhiều công sức hơn.

Sợi từ bã cà phê

Có bao giờ bạn nghĩ chúng ta sẽ mặc một chiếc áo làm từ bã của chính ly cà phê mình uống? Theo thống kê, trung bình có gần 2,25 tỉ cốc cà phê được uống mỗi năm với khoảng 9 triệu tấn bã cà phê được thải ra. Giờ đây, với sự phát triển công nghệ trong ngành dệt may, bã cà phê không còn là rác thải mà đã trở thành một nguồn tài nguyên mới.

Nhận diện: Sợi vải cà phê được nghiên cứu và phát triển đầu tiên bởi công ty Singtex – Đài Loan. Bã cà phê được hòa cùng hỗn hợp polymer tạo thành vật liệu tổng hợp, sau đó áp dụng công nghệ độc quyền S.Cafe cho ra sợi cà phê.

Ưu điểm:

  • Vải được dệt từ sợi cà phê có khả năng thấm hút nhanh hơn đến 200% so với vải cotton.
  • Có khả năng kháng tia UV, khử mùi tốt, khô nhanh và thoáng mát.
  • Loại vải thân thiện với môi trường này đã được sản xuất ở Việt Nam bởi Công ty FASLINK JSC. Do đó nó dễ dàng để được tiếp cận hơn các loại vải thiên nhiên khác.

Nhược điểm:

  • Do vẫn phải sử dụng polymer trong quá trình chế tác, đây là loại sợi không thiên nhiên 100%. Một số đơn vị sản xuất sử dụng polymer có thể phân hủy với thiên nhiên, một số khác lại sử dụng nhựa PP gốc dầu mỏ. Do đó cần cẩn thận trước nguy cơ green washing khi sử dụng vải bã cà phê không có khả năng phân hủy thiên nhiên.

Sợi vải dứa

Giày thể thao BOSS làm từ chất liệu giả da Piñatex. Ảnh: Hugo Boss

Nhận diện: Thực chất vải dứa gần với da thuộc hơn là chất liệu vải mềm mại. Đây là sản phẩm do Ananas Anam có trụ sở tại London phát triển, được gọi là Piñatex. Chất liệu này được làm từ sợi lá dứa, sản phẩm phụ từ việc thu hoạch dứa ở Philippines. Lá dứa sau khi trải qua quá trình phân huỷ sẽ thu về sợi. Các sợi này sau đó trải qua một quy trình công nghiệp nữa để trở thành vải không dệt.

Ưu điểm:

  • Vải lá dứa tận dụng phế phẩm trong ẩm thực, do đó có thể được xem là chất liệu bền vững. Bên cạnh đó là tạo nên công ăn việc làm mới cho người dân địa phương.
  • Tính chất thoáng khí, mềm mại có thể dễ dàng in ấn, khâu và cắt nên hoàn toàn phù hợp với các sản phẩm thời trang đa dạng. Sáng chế này của Pinatex cũng đã giành được một số giải thưởng.

Nhược điểm:

  • Không phân hủy 100% vì chất liệu này là tổng hợp của lá dứa và nhựa PP. Một số người cho rằng cứ để cho lá dứa phân hủy thì còn tốt cho môi trường

Sợi vải làm từ sợi chuối

Ví làm từ giấy xơ chuối của Green Banana Paper. Ảnh: Zac Fischel

Nhận diện: Xơ chuối là một trong những loại xơ tự nhiên bền nhất thế giới. Được tước từ thân cây chuối, loại sợi vải thân thiện với môi trường này bao gồm mô tế bào có thành dày với các thành phần chủ yếu là cellulose, hemicelluloses và lignin. Xơ chuối có thể được sử dụng để sản xuất một số loại vải dệt khác nhau với trọng lượng và độ dày khác nhau, dựa trên phần nào của thân chuối mà xơ được chiết xuất.

Ưu điểm:

  • Xơ chuối tương tự như xơ tre tự nhiên nhưng khả năng kéo sợi, độ mịn và độ bền được cho là tốt hơn.
  • Có thể phân hủy sinh học.
  • Dùng thân chuối làm vải sợi tận dụng phế phế phẩm là thân cây chuối mà người nông dân vứt đi sau khi thu hoạch trái.
  • Có thể tạo nên nhiều chất liệu đa dạng.  Sợi chuối có thể được sử dụng để làm dây thừng, chiếu, vải dệt cũng như giấy thủ công. Green Banana Paper, một công ty có trụ sở tại đảo Kosrae ở Micronesia, đang sử dụng sợi chuối để làm ví, túi và giấy thuần chay.

Nhược điểm:

  • Có chi phí cao vì công đoạn tước sợi.

SỢI SEN

Nhận diện: Vải từ sợi tơ sen có nguồn gốc ban đầu ở Miến Điện (Myanmar). Loại vải thân thiện với môi trường này được phát minh tại một ngôi làng có tên KyaingKan (Chaing Kham) vào khoảng những năm 1900. Và sản phẩm đầu tiên được may từ vải lụa tơ sen đó là những chiếc áo cà sa dâng lên các tu sĩ do bà Sa Oo tạo ra.

Ở Việt Nam, vào năm 2017 một nghệ nhân đã tự tạo ra được vải lụa tơ sen. Bà có tên là Phan Thị Thuận, với kinh nghiệm hơn 60 năm trong nghề dệt lụa truyền thống. Bà đã dùng kinh nghiệm của mình cộng với sự tìm tòi học hỏi nhiều nơi đã thành công sản xuất ra loại vải lụa từ tơ sen.

Ưu điểm:

  • Vải từ sợi tơ sen có rất nhiều đặc tính vượt trội như thấm hút mồ hôi tốt, nhanh khô, chống bám bẩn, nhẹ, mềm, mượt và cực kỳ thoáng khí.

Nhược điểm:

  • Quy trình sản xuất loại vải sang trọng này cực kỳ phức tạp và tốn nhiều công sức. Do giá thành cao nên hiện tại vẫn chưa phải là một loại vải dễ tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.
  • Thân sen có tính năng kháng nước, do đó không dễ hấp thụ màu nhuộm. Vải sợi sen sau khi nhuộm dễ bị bay màu khi so sánh với các loại vải thân thiện với môi trường khác.

Nguồn: Bazaarvietnam.vn